Mình có 2 bé (1 bé 2 tuổi và 1 bé 5 tuổi) đều thuộc dạng dễ nuôi. Tuy nhiên không phải lúc nào hai bé nhà mình cũng hợp tác với bố mẹ trong việc ăn uống. Để trị chứng biếng ăn của hai con, mình đã và đang duy trì các cách sau, các mẹ nghiên cứu và trao đổi nhé!
>> Tổng hợp 20 cách trị trẻ biếng ăn hiệu quả
1. Ăn đúng giờ: Trước hết theo mình nên cho bé ăn vào những giờ cố định để cho chúng quen dần và thích nghi với chế độ ăn uống điều độ.
2. Số lượng bữa ăn không quan trọng bằng chất lượng bữa ăn: Một đứa trẻ 3 tuổi thực sự không cần đến 5 bữa mỗi ngày đâu. Giữa bữa sáng và bữa trưa, thay vì cho ăn cháo hay một lưng cơm, các mẹ có thể cho bé một quả chuối hay miếng đu đủ, có thể sau đó bé sẽ ăn trưa một cách ngon lành.
3. Bát ăn của bé nên trang trí những hình thù ngộ nghĩnh để kích thích giác quan của bé: Bé 2 tuổi nhà mình cho ăn bằng bát có hình con ong rồi hình con heo đang nhảy múa, thìa có hình con chim hoạ mi đang hót, chuột Mickey đang thổi kèn, nhìn dễ thương lắm… Bữa nào mình cũng rủ các bạn ong, bướm, chim… cùng thi ăn với bé xem ai ăn nhanh hơn đấy, vì thế bé cũng tích cực ăn hơn để không mang tiếng là thua bạn ong, ban chim… hi hi!!!
4. Không nên tạo thói quen ăn vặt cho bé: Mình nhận thấy vài cái kẹo, một gói bim bim trước bữa ăn tưởng như không là gì cả nhưng lại ảnh hưởng rất nhiều đến sự ngon miệng của trẻ.
5. Hãy giảm 1 chút khẩu phần ăn của bé: Một bát cơm đầy có ngọn sẽ không kích thích sự thèm ăn của bé đâu. Trái lại nó khiến bé sợ và ngán. Sẽ hoàn toàn khác nếu trước mặt bé là một miếng thịt nho nhỏ, một chút xíu cơm và vài thìa canh. Mình nghĩ như thế thì bé có thể dễ dàng chấp nhận hơn.
6. Đa dạng các món ăn: Nếu ngày nào mình cũng dọn cho bé món trứng đúc thịt, thì chẳng có gì ngạc nhiên khi bé không muốn ăn. Nếu bữa sau, mình cho bé một khúc cá rán hay một bát súp sườn hầm khoai tây, củ cải, các mẹ sẽ thấy là ít ra thì bé cũng thử. Với bé 2 tuổi như bé nhà mình thì thay đổi các loại rau, củ xay, thay đổi thịt cá cũng ổn.
7. Cho bé tự chọn món ăn: Trước khi nấu ăn, mình hay hỏi bé: “Con thích ăn gì nào?” bằng giọng ngọt ngào âu yếm nhất có thể, và đưa ra một thực đơn mình có thể làm để bé chọn. Có thể bé sẽ chẳng chọn gì cả, nhưng kệ, đằng nào chả phải ăn các mẹ ạ! Nhưng cũng có thể bé sẽ thích một món nào đó, hy vọng thế hihi!
8. Hãy chấp nhận một số ý thích trái khoáy của bé: Con mình cứ thích uống 1 chút sữa rồi lại uống 1 chút nước, rồi lại cứ phải đổ ra cốc mới chịu uống, nhiều lúc phát điên lên được vì mất thời gian mà. Nhưng phải chiều theo ý các ông tướng con ấy thôi nếu như muốn các ông ý dễ tính hơn trong bữa ăn.
9. Đừng ép bé ăn cái mà bé không thích: Thay vì thịt, mình có thể cho bé ăn trứng, cá hoặc giò, xúc xích. Nếu bé sợ rau, thì thay vì bực bội, các mẹ hãy cho bé ăn thêm trái cây.
10. Đừng cố giấu những thứ bé không thích ăn vào các món ăn vì chắc chắn bé sẽ phát hiện ra và sẽ không chịu ăn gì nữa. Nhất là đối với các bé lớn như ông cu 5 tuổi nhà này, ghê gớm tinh ý lắm nha. Và nguy nhất là bạn đã làm nó ghét cái món mà đến nay nó vẫn thích.
11. Chỉ cho bé uống sau bữa ăn, chứ không để vừa ăn vừa uống, đặc biệt là trước bữa ăn. Nếu trước bữa ăn, cái dạ dày bé tẹo của bé đã được làm đầy bằng nước ngọt thì đương nhiên là bữa ăn trưa bé sẽ mè nheo và không chịu ăn rùi.
12. Cả nhà hãy cùng ngồi ăn bên bàn ăn gia đình. Nếu bắt bé phải ngồi ăn một mình thì quả thật là chán. Ví dụ bố có thể kể chuyện có một con chim đến làm tổ trong vườn nhà thế nào, mẹ thì kể hôm nay chị Mi, em Ly hàng xóm đã ngoan như thế nào khi bố mẹ không có ở nhà… kết hợp với những động tác minh hoạ múa may thật ngộ nghĩnh. Thế là bé vừa ăn vừa dỏng tai nghe, quên khuấy cái bát cơm đáng ghét kia hihi.
13. Nếu bé đã tự xúc được, các mẹ đừng bón cho bé, hãy để bé tự ăn. Phần lớn trẻ 2-3 tuổi sẽ ăn nhiều hơn nếu mẹ để chúng tự ăn. Nếu mẹ cứ bón mãi, dần dần bé nhận thấy rằng ăn đúng là một việc khó chịu, chẳng khác gì gội đầu hay uống thuốc, cũng là mẹ làm cho bé. Hãy làm sao để bé thấy rằng được ăn là niềm vui, giống như chơi một trò chơi ý mà!
14. Hãy để bé cùng tham gia nấu nướng với mẹ: Bé sẽ thấy rau muống mà bé tự tay nhặt, hay món thịt mà bé tự tay trộn gia vị sẽ ngon hơn rất nhiều. Các mẹ nên khen bé trong bữa ăn như là: “Ôi, canh rau hôm nay cu Bi nhặt mẹ ăn ngon miệng quá. cu Bi giỏi ghê!”, thế là bé lại hào hứng ăn thêm rau đấy!
15. Mình nghĩ không khí của bữa ăn cũng rất quan trọng. Những vội vã, lộn xộn, những tranh luận công việc hàng ngày giữa bố và mẹ hãy cố gắng dẹp sang 1 bên, nếu cứ mải than phiền hay tranh cãi to tiếng, vô tình chúng ta đã làm bé ăn mất ngon đấy.
Mình đã và đang áp dụng những cách trên để trị 2 ông cu nhà mình đấy. Nhờ trời, các bé cũng không đến nỗi quá khó tính nên bà mẹ này cũng không đến nỗi vất vả. Mạn phép chia sẻ cùng các mẹ và mong các mẹ cùng đóng góp chia sẻ với nhà em nha!