Cách phân biệt bồ câu trống mái

Bồ câu là loại chim khá đặc biệt, khi nuôi cần nuôi đúng một đôi. Nếu nuôi bị thừa chim trống thì sẽ có hiện tượng cắn nhau giữa các con trống, gây ra vỡ dập trứng, ngoài ra còn làm tiêu hao thức ăn cho chim đực ăn mà không có tác dụng gì. Nếu thừa chim mái thì trứng đẻ ra không có trống sẽ bị ung do không có phôi. Do đó cách phân biệt bồ câu trống mái rất quan trọng trong quá trình nuôi dưỡng để không gặp phải vấn đề như trên.

1. Phân biệt bồ câu trống

Bồ câu trống có đầu to, thân mình dài, chân cao, khi đến thời kì trưởng thành, chim trống có tiếng “gù” và quay vòng tròn rồi giơ mình lên cao để thu hút chim mái. Con trống cũng hay nằm vào ổ trước và vẫy cánh, tạo tiếng gù gọi con mái.

Con trống có hai đầu xương chậu hẹp nên nếu dí ngón tay vào kiểm tra thì sờ thấy cả hai đầu xương chậu. Mỏ của chim trống to, gốc mỏ lộ rõ. Nếu còn là con non theo mẹ thì mỏ dưới to hơn hẳn mỏ trên. Ngoài ra thì chân cũng có khác biệt, chân của chim trống có ngón nhỏ bên trái dài hơn ngón nhỏ bên phải. Hoặc là nhìn độ dài của lông cánh để phân biệt, nếu chim trống thì chóp dài nhất của lông cánh không bằng nhau và thường hai cánh hay bắt chéo lông với nhau.

2. Phân biệt bồ câu mái

Chim mái có đầu thon, mỏ nhọn, cổ dài, thân mình hơi nhỏ hơn con đực một chút, bụng bầu. Đến thời kì trưởng thành, chúng ta sờ vào phần bụng dưới của chim, chúng ta thấy hai xương chậu mở rộng hơn con đực. Nếu dí ngón tay cái vào thì có thể lọt vào giữa hai đầu xương chậu. Chim cái ít có tiếng “gù” và hay có những cử chỉ đòi mớm hơi với con đực.

Con mái có mỏ nhỏ, mỏ nằm bên trong, gốc mỏ bé hơn so với con trống. Nếu còn là chim non thì mỏ trên và mỏ dưới gần tương đương nhau. Chim mái thì thường có độ dài chân nhỏ bên trái và chân nhỏ bên phải gần như bằng nhau. Thêm nữa, nếu là chim mái thì hai chóp dài nhất của lông cánh bằng nhau và thường hai cánh không bắt chéo lông với nhau.

Hiện nay ngày càng có nhiều người nuôi bồ câu, dù là với mục đích làm cảnh hay thương mại thì cách phân biệt bồ câu trống mái cũng là một bước khá quan trọng trong quá trình nuôi. Chỉ cần nắm chắc mẹo phân biệt này thì sẽ tiết kiệm thời gian cũng như khá nhiều công sức và giảm thiểu tối đa những khó khăn có thể phát sinh trong quá trình chăm sóc, nuôi nấng.

HPCM

Ý kiến bạn đọc