Tôi ở gần nhà chị nên mỗi ngày ra vào đều chạm mặt hai ông bà. Tiếng là phụng dưỡng, nhưng thật ra ngày ba bữa, hai ông bà già phải cơm bưng nước rót cho con, cho cháu. Tính ông ít nói, trầm lặng, lúc nào cũng cặm cụi với công việc. Tính bà xởi lởi, cởi mở, trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã tường. Sáng sớm, bà dậy từ 6 giờ, đi bộ ra chợ, mua đồ ăn cho cả nhà. Sau khi chuẩn bị bữa sáng tinh tươm, dọn sẵn ra bàn, bà lên đánh thức con gái, con rể và cháu trai(3 tuổi) xuống dùng bữa sáng.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Thằng bé ăn uống rất khó khăn nên bà phải nấu khẩu phần riêng. Hôm nào, cháu không chịu ăn là con gái trách mẹ nấu không ngon, lơ đãng, không chú tâm vào bếp núc. Ăn xong, các con ai nấy xách giỏ đi làm. Hai ông bà lại lọ mọ dọn dẹp bàn ăn, rửa chén bát.
Những hôm con gái bà đi làm về sớm, chị tiếp tục mở máy tính ra dịch bài. Bà bảo chị chuyên nhận hợp đồng dịch thuật tiếng Hàn nên bận bịu cả ngày lẫn đêm. Chị làm việc đến tận 10-11 giờ đêm mới nghỉ. Nhiều bận, con gái làm việc trên phòng, hai ông bà nấu cơm xong, bưng lên tận nơi cho con ăn.
Nhà có cha mẹ trông nên con gái không cho con đi nhà trẻ. Thằng bé nghịch ngợm, hết đu cửa lại trèo cầu thang. Bà ngoại hơn 70 tuổi, chân yếu, mắt mờ nhưng cả ngày cứ phải chạy theo cháu. Nhiều bữa thấy mặt bà xám mét, thở dốc mệt mỏi, tôi hỏi thăm, bà bộc bạch: “Mấy bữa trước, con gái giao ổng giữ cháu. Ổng chân yếu, đi chậm để thằng nhỏ té u đầu hoài. Giờ nó giao nhiệm vụ này cho tui. Thiệt tuổi này, trông cháu còn mệt hơn đi làm”. Nghe tiếng thằng bé khóc thét, bà dừng ngang câu chuyện chạy bổ vào nhà.
Cứ vậy, cả ngày, hai ông bà làm túi bụi không hết công việc nhà. Chị trả tiền giúp việc sòng phẳng hằng tháng cho cha mẹ. Dù khoản tiền ấy được nói một cách hoa mỹ là tiền dưỡng già, gửi tiết kiệm cho cha mẹ.
Hôm rồi, bắt gặp bà khóc khi đang đi chợ, tôi hỏi, bà tủi thân: “Đúng là con cái thời nay, ỷ có chút tiền, không coi cha mẹ ra gì”. Bà chậm nước mắt kể. Chỉ vì tay chân lóng ngóng, trí nhớ quên trước, quên sau, bà đang nấu đồ ăn, quên tắt bếp, lo chạy đi trông chừng thằng cháu. Nồi thức ăn khét nghẹt, bốc khói nghi ngút. Con gái sợ nhà cháy nên càu nhàu, trách hai ông bà cả buổi.
Sau lần con gái, con rể quở trách, ông bà định dẫn nhau về quê, rau cháo qua ngày mà có cuộc sống tự do, khỏe khoắn. Nhưng các con lại khóc lóc, năn nỉ: “Ba mẹ ráng giúp con, cho thằng Bi cứng cáp chút nữa, con sẽ gửi đi học”. Hai ông bà thương con, mủi lòng, ở lại tiếp tục giúp việc. Chẳng biết có bao giờ con gái, con rể biết điều, nói năng tử tế, nhẹ nhàng với cha mẹ già không?