Trẻ bị dị ứng sữa phải làm thế nào?

Những dấu hiệu khi trẻ bị dị ứng sữa mà các mẹ cần biết là tiêu chảy, nôn mửa, da nổi mẫn,… Vậy, khi trẻ bị dị ứng sữa phải làm thế nào?

Dị ứng sữa là gì?

Dị ứng sữa là phản ứng của hệ thống miễn dịch của cơ thể lên một vật thể lạ (trong trường hợp này là các protein trong sữa). Điều này có nghĩa là hệ thống miễn dịch của bé sẽ tấn công các protein trong sữa, “thấy” nó như là một vật thể lạ cần phải được tiêu diệt và vì vậy gây nên phản ứng dị ứng. Tùy thuộc vào những biểu hiện của dị ứng mà ta xác định mức độ nghiêm trọng của phản ứng.

Di truyền cũng đóng vai trò quan trọng trong việc trẻ sơ sinh dị ứng với sữa bột công thức. Nếu mẹ hoặc cha đã từng dị ứng với sữa bột (hoặc sữa bò) lúc còn bé thì có khoảng 50-80% cơ hội con của họ sẽ thừa hưởng những biểu hiện tương tự.

Những loại sữa nào có thể gây dị ứng?

Một trong những dị ứng phổ biến nhất của trẻ sơ sinh là dị ứng với sữa bò mà sữa bò là thành phần chiếm nhiều nhất trong công thức của sữa bột. Con bạn có thể dị ứng với sữa bò, sữa công thức được làm từ sữa bò hay thậm chí bé có thể bị dị ứng với sữa mẹ nếu bạn ăn hay uống những sản phẩm từ sữa bò.

Nếu con bạn bị dị ứng với sữa bò thì hầu như bé cũng sẽ dị ứng với sữa dê vì thành phần đạm trong hai loại sữa này tương tự như nhau. Thông thường rất dễ phát hiện ra dị ứng bằng xét nghiệm máu đơn giản hay có thể kiểm tra trực tiếp trên da tại các bệnh viện.

Triệu chứng trẻ bị dị ứng sữa

Những triệu chứng dưới đây sẽ giúp bạn nhận biết dấu hiệu con trẻ bị dị ứng sữa để có biện pháp phù hợp:

Tiêu chảy: Tiêu chảy là phổ biến ở trẻ sơ sinh nhưng nếu nó xảy ra thường xuyên (trung bình 2 đến 4 lần một ngày trong vòng hơn một tuần) và/hoặc có máu trong tã thì đó là dấu hiệu trẻ bị dị ứng sữa.

Nôn: trẻ sơ sinh thường nôn một ít thực phẩm khi ăn nhưng nếu bé của bạn nôn ngoài giờ ăn thì bạn nên đưa bé đi khám bác sĩ. Triệu chứng trào ngược, thể hiện bởi hiện tượng nôn và khó nuốt, có thể là biểu hiện của những triệu chứng dị ứng.

Da nổi mẫn đỏ: Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng nổi mẫn đỏ trên da trẻ sơ sinh làm da trông giống như bị sưng phòng hay phát ban. Một trong những nguyên nhân có thể là do dị ứng sữa nếu tình trạng này kéo dài và đi kèm với một số triệu chứng khác.

Trẻ quấy khóc: Trẻ sơ sinh thường quấy khóc nhưng sẽ là bất thường nếu trẻ khóc kéo dài. Khi không có lí do rõ ràng, trẻ khóc thường được cho là do đau bụng. Đôi khi trẻ cực kì quấy khóc là do đau bao tử gây ra bởi dị ứng protein trong sữa bột công thức.

Trẻ khó chịu, quấy khóc là một dấu hiệu nhận biết trẻ bị dị ứng sữa
Trẻ khó chịu, quấy khóc là một dấu hiệu nhận biết trẻ bị dị ứng sữa

Trẻ đánh rắm: tất cả trẻ sơ sinh đều thường “xì hơi” tuy nhiên nếu trẻ đánh rắm thường xuyên kèm theo những triệu chứng khác thì đó có thể là dấu hiệu của dị ứng với protein trong sữa.

Có vấn đề về hô hấp: Cảm lạnh là thông thường với các bé sơ sinh nhưng khò khè, khó thở, có đờm trong mũi và cổ họng có thể là những biểu hiện của phản ứng với protein trong sữa.

Để chẩn đoán bệnh chính xác cần:

Xét nghiệm phân: Phân của trẻ bị dị ứng sữa bò thường có lẫn máu, trong khi phân của trẻ bị bất dung nạp Lactose lại có tính axit và chứa thành phần đường không tiêu hóa được.

Xét nghiệm thử phản ứng dị ứng trên da: Nếu thấy nổi một đốm đỏ và cứng ở chỗ tiêm thì có phản ứng. Tuy nhiên, test này chưa phải là đặc hiệu vì nhiều trẻ nhỏ bị dị ứng với sữa bò vẫn cho kết quả âm tính, trong khi nhiều em lớn hơn không bị dị ứng lại cho kết quả dương tính.

Điều trị cho trẻ bị dị ứng sữa

Nguyên tắc điều trị cho trẻ bị dị ứng sữa là giúp bé tránh các loại protein khó hấp thu, sử dụng các loại sữa, thực phẩm có chứa protein được thủy phân giúp dễ tiêu hóa (thường có trong các loại sữa công thức dành cho trẻ bị dị ứng sữa hoặc các loại đạm ít gây dị ứng như đạm đậu nành hoặc sữa từ gạo).

Bé có thể dùng sữa mẹ nếu mẹ còn sữa, tuy nhiên, chế độ ăn của mẹ cần phải bỏ các thực phẩm chứa sữa và các loại thịt giàu đạm như bò, lợn vì các loại protein này có thể “đi qua” sữa mẹ.

Trường hợp bé còn bú mẹ, các mẹ nên tránh sử dụng sữa hoặc các loại thức ăn giàu đạm
Trường hợp bé còn bú mẹ, các mẹ nên tránh sử dụng sữa hoặc các loại thức ăn giàu đạm

Nếu trẻ sử dụng sữa ngoài và “đi cầu” phân nhão, màu xanh lá cây đã có trong khuyến cáo của một số nhà sản xuất nên bạn không cần quá lo lắng. Để phòng dị ứng cho bé, bạn cần kiểm tra nhãn mác, thành phần trên các sản phẩm sử dụng cho con bạn. Ngoài ra, bạn cần khuyến cáo người nhà, người chăm sóc bé không cho bé ăn đồ lạ và chuẩn bị sẵn một số thuốc chống dị ứng tại nhà để phòng cho bé. Bạn nên gặp bác sỹ để được cấp loại thuốc phù hợp.

Xem thêm: Những điều cần biết khi cho trẻ ăn váng sữa.

HPCM
Ý kiến bạn đọc