Chả giò là món ăn quen thuộc của người Việt Nam, những đĩa chả giò mới chiên giòn rụm, nóng hổi luôn là hình ảnh quen thuộc trong những bữa cơm, bữa tiệc, bữa ăn giỗ hay mâm cúng… từ xưa đến nay của người Việt Nam.
Cách làm chả giò rất đơn giản, hơn nữa bạn có thể sáng tạo công thức chả giò mới với các nguyên liệu khác nhau bởi thành phần trong chả giò thường là sự pha trộn giữa các loại rau củ, đạm và gia vị cùng các loại nước chấm, nước sốt cực ngon. Nếu chưa thử qua cách làm chả giò hoặc muốn tìm hiểu những công thức làm chả giò mới thì cùng tham khảo bài viết dưới đây nhé.

Cách làm chả giò mới lạ cho bạn trổ tài
1. Chả giò tôm thịt
Đây là công thức chả giò quen thuộc và phổ biến nhất, tùy vào sở thích của từng người mà bạn có thể thêm bất kì nguyên liệu nào cho món ăn thêm ngon.
– Nguyên liệu: Cho 6 người ăn
- 300g thịt heo xay
- 150g tôm tươi
- 1 quả trứng gà
- Khoai môn nửa củ
- Cà rốt 1 qủa
- 100g mộc nhĩ hoặc nhiều hơn tùy thích
- 1 củ hành, 1 củ tỏi.
- Hành lá, ngò
- Gia vị: Muối, tiêu, bột ngọt, nước mắm, đường (nếu thích)
- Bánh tráng đa nem hoặc bánh tráng pía tùy thích.

– Sơ chế:
- Thịt heo có thể mua loại đã xay, hoặc mua loại nạc về rửa sạch, xay nhuyễn.
- Tôm thẻ mua về bóc vỏ, rửa sạch, lấy gân tôm, để ráo rồi xay hoặc bằm nhuyễn.
- Gọt vỏ khoai môn, cà rốt rồi bào sợi mỏng.
- Mộc nhĩ ngâm nước lọc hoặc trụng nước sôi nếu muốn nở nhanh. Rồi thái sợi nhỏ.
- Bóc vỏ, băm nhỏ hành tí, tỏi, rửa sạch hành lá, ngò để ráo, băm nhỏ hành cùng ngò, chừa lại vài cọng ngò trang trí.
– Chế biến:
Ta cho tôm, thịt đã xay vào trộn cùng với khoai môn, cà rốt, mộc nhĩ thái sợi.
Cho thêm gia vị 1 chút muối, tiêu, bột ngọt, nước mắm.. theo tỉ lệ vừa phải, tránh làm quá mặn vì chả giò thường ăn kèm nước chấm.
Trộn đều hỗn hợp, nếu thấy hỗn hợp vẫn chưa có đủ độ kết dính thì bạn nên đánh 1 quả trứng gà vào để tạo độ dính. Cho thêm hành tím, tỏi băm nhỏ cùng hành, ngò đã thái. Trộn đều hỗn hợp.
Thông thường ta vẫn thường hay ăn chả giò cuốn bánh tráng, hay bánh đa nam, tuy vậy kiểu bánh này khá mỏng và khi chiên thường bị cháy. Bạn có thể thay đổi với bánh tráng pía, đây là loại bánh tráng làm từ khoai mì có màu vàng nhạt hoặc trắng đục khi chiên sẽ giòn hơn và không dễ rách như bánh tráng đa nem.

Đặt bánh tráng trên bề mặt phẳng, với bánh đa nem ta có thể làm ướt bằng chút xá xị thì khi chiên bánh sẽ có màu vàng ươm, còn không bạn có thể làm ướt bánh ở mức độ vừa phải. Cho nhân vào phần rìa, cuộn 1 vòng rồi gấp hai cạnh vào giữa, tiếp tục cuộn tiếp cho đến hết phần bánh. Đối với bánh tráng pía, hãy nhớ phết chút trứng ở phần rìa để bánh dính lại phần cuộn, hoặc dùng cọ phết trứng đều phần chả giò để tạo độ thơm và màu vàng ươm cho bánh. Nếu thích bạn có thể để lại phần đuôi tôm, cuốn cùng và chừa phần đuôi tôm ra ngoài để tại vẻ lạ cho món chả giò tôm thịt.

Bắc chảo dầu sôi vừa đủ, bạn không nên đun dầu ở mức quá nóng vì bánh sẽ dễ cháy và nứt khi chiên. Đặt đầu đũa vào, thấy sủi tăm là dầu vừa nóng tới, cho bánh vào và hạ lửa vừa hoặc hơi nhỏ để bánh có thể chín đều cả phần nhân bên trong và giòn hơn.
– Trình bày: Xếp bánh ra đĩa, trang trí cùng rau củ và ngò còn dư. Ăn cùng nước mắm tỏi hoặc các kiểu nước chấm khác.
2. Chả giò chay
Hoặc vào những ngày rằm, lễ bạn muốn ăn chay thì cũng có thể sáng tạo với món chả giò chay, ăn ngon và hấp dẫn không kém chả giò tôm thịt.

– Nguyên liệu:
Thường bạn có thể cho bất kì loại củ nào tùy thích tuy vậy những nguyên liệu chay phù hợp cho chả giò có thể kể đến như:
- Cà rốt.
- Khoai môn.
- Khoai lang
- Khoai tây
- Củ cải trắng
- Ớt chuông
- Mộc nhĩ
- Đậu hũ trắng (thay cho trứng gà để tạo độ dính)
Công thức dưới đây sẽ sử dung nguyên liệu cà rốt, khoai lang và mộc nhĩ , đậu hũ cùng hành ngò.
– Cách làm:
Giống như các bước làm chả giò tôm thịt, hãy gọt vỏ, rửa sạch và thái nhỏ cà rốt cùng khoai lang, ngâm nước mộc nhĩ và thái nhỏ. Đậu hũ trắng luộc chín. Trộn đều các thành phần cùng với nhau, cho thêm muối, tiêu, bột ngọt, nước mắm hoặc nếu thích bạn có thể thêm chút đường.
Trộn đều hỗn hợp, nếu chưa có đủ độ kết dính, bạn có thể cho thêm chút dầu ăn hoặc dầu mè.
Cuộn bánh tráng giống với cách trên và chiên ngập dầu.
Trang trí cùng rau củ và lá ngò cho đẹp mắt.
3. Làm nước sốt
Thông thường chả giò sẽ được ăn cùng nước mắm tỏi ớt hoặc xì dầu, tuy vậy bạn cũng có thể sáng tạo nước sốt chuyên biệt cho món chả giò chẳng hạn như kết hợp các loại sốt phương Tây như Mayonnaise, sốt Banini…

– Nước mắm tỏi ớt:
Công thức: Tỏi, Ớt, đường, bột ngọt, nước mắm, chanh.
Giã tỏi, ớt băm nhỏ, cho thêm đường, bột ngọt và nước mắm khuấy đều, sau đó cho nước lọc cho vừa vị (cho nước lọc sau cùng, thì tỏi và ớt sẽ nổi lên, đẹo mắt hơn), vắt thêm chút chanh và gẩy vài tép lên trên.
– Nước sốt tỏi ớt:
Nếu thích bạn có thể phi tỏi riêng, đun chảy đường trên bếp, thêm chút giấm rồi cho tỏi đã phi, ớt, nước mắm vào sau. Nếu thích bạn có thể tạo độ kết dính bằng cho chút bột năng hòa nước bên ngoài, hoặc bột sắn dây hòa nước, hỗn hợp sệt lại bạn bạn cho ra chén nhỏ ăn cùng chả giò cực hợp.
Trên đây là hai công thức làm chả giò quen thuộc và dễ thực hiện tại nhà, bạn cũng có thể sáng tạo ra nhiều kiểu chả giò khác nhau bằng cách thay đổi nguyên liệu cho phù hợp. Cùng sáng tạo công thức chả giò của riêng bạn cho bữa ăn nhà bạn thêm hấp dẫn, thú vị nhé.