Nắm bắt được nhu cầu sử dụng tỏi đen hiện nay, Hạnh Phúc Của Mẹ xin chia sẻ các cách làm tỏi đen tại nhà bằng nồi cơm điện với phương pháp chế biến đơn giản, dễ làm phù hợp với các bà nội trợ.
Tỏi đen (Black Garlic) đang được xem như một “thần dược” trong cuộc chiến điều trị ung thư được cả thế giới công nhận. Vì công dụng tuyệt vời của tỏi đen nên giá thành của nó không hề rẻ, nếu không nói là rất đắt. Hiện tại giá thị trường của tỏi đen dao động từ 1 triệu đến 2 triệu đồng (!), một chi phí không hề nhỏ.
“Theo các nghiên cứu khoa học, tỏi đen có hiệu quả mạnh khi kháng lại các tế bào khối u, giúp máu lưu thông dễ dàng trong quá trình tuần hoàn máu, oxy và những dưỡng chất cung cấp cho cơ thể chúng ta, đồng thời còn giúp giảm bớt các cơn đau, ê ẩm cơ thể. Các hoạt chất chứa trong tỏi đen giúp máu không bị đông, ngăn tình trạng vón cục của tiểu cầu, phòng ngừa cao huyết áp, thiếu máu não và bệnh tim mạch.
Đối với phụ nữ, tỏi đen là sản phẩm giúp chăm sóc và cải thiện làn da, bảo vệ gan, ngăn ngừa các bệnh hô hấp, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.”
Xem bài viết về → Công dụng của tỏi đen với sức khỏe
Tỏi đen được làm từ tỏi tươi, qua quá trình lên men, ủ nhiệt, làm chín sinh học, hình thành hợp chất Melanoidin và tạo ra màu đen tự nhiên của tỏi mà không dùng bất kì hóa chất phẩm màu nào. Cách làm tỏi đen chủ yếu do quá trình ủ nhiệt lên men trong vòng nhiều ngày. Để tỏi đen sau khi làm ra có thể phát huy công dụng, trọng quá trình làm cần phải kiểm soát điều kiện nhiệt độ và độ ẩm một cách chặt chẽ. Các chị em có thể tìm hiểu cách làm tỏi đen đơn giản như sau.
Nguyên liệu làm tỏi đen
- Tỏi – 1 kg
- Bia – 1 lon
*** Lưu ý: Bạn nên lựa các củ tỏi to, đẹp và đều nhau. Nếu bạn muốn làm nhiều hơn hoặc ít hơn 1kg tỏi thì hãy cứ suy ra từ tỷ lệ này nhé (1kg tỏi ~ 1 lon bia). Có thể chọn tỏi Lý Sơn (loại này giá thành hơi đắt) để có mẻ tỏi đen chất lượng
Vật liệu
- Nồi cơm điện
- 1 cái thau
- Giấy bạc khổ lớn
Cách làm tỏi đen an toàn tại nhà
Bước 1: Làm sạch và ngâm tỏi với bia
Tỏi sau khi mua về, để làm sạch tỏi, bạn lột bỏ lớp vỏ mỏng nhất bên ngoài và làm sạch các bụi bẩm bám trên tỏi, sau đó cắt bỏ cuống cho gọn.
Tiếp đến, bạn cho toàn bộ tỏi vào thau, rưới bia vào và ngâm tỏi trong vòng 30 phút cho tỏi ngấm men vi sinh có trong bia.
Bước 2: Cách chế biến tỏi đen
Tiếp theo, bạn chuẩn bị một tờ giấy bạc khổ lớn cho vào nồi cơm điện. Sau khi ngâm tỏi với bia đủ 30 phút, bạn vớt tỏi ra và xếp vào nồi cơm đã có giấy bạc chuẩn bị sẵn rồi cuốn giấy bạc kín lại.
Sau đó, bạn cho nồi cơm vào nồi điện và bật ở chế độ giữ nóng (warm) và bắt đầu ủ trong 2 tuần.
*** Lưu ý: Để đảm bảo an toàn thiết bị điện tại nhà, sau khi sử dụng nồi cơm điện để ủ tỏi trong vòng 8 tiếng hoặc 1 ngày, bạn nên lấy nồi tỏi ra và chuyển sang ủ với nồi cơm điện thứ 2. Cứ cách 8 tiếng hoặc 1 ngày, bạn nên chuyển nồi 1 lần. Vì nồi cơm điện là thiệt bị gia dụng dùng để hoạt động trong thời gian ngắn (tầm 1 ngày).
Ngoài ra nếu bạn sử dụng nồi cơm điện loại thường, nắp đậy là nắp rời được làm bằng thủy tinh hoặc nhôm,… thì bạn hãy dùng thêm màng bọc thực phẩm bọc kín xung quanh vung nồi để giữ nhiệt tốt hơn nhé.
Bước 3: Hoàn thành cách làm tỏi đen tại nhà
Vậy là chúng ta đã hoàn thành xong cách làm tỏi đen an toàn tại nhà rồi. Cũng không khó lắm phải không nào. Bây giờ các chị em chỉ cần đợi tỏi ủ xong trong vòng 14 ngày là có thể lấy ra sử dụng. Lúc này tỏi đã khô, bóc ra bên trên có màu đen, tép tỏi mềm dẻo và không có mùi hăng. Khi ăn vào sẽ cảm nhận được vị chua ngọt. Các chị em nên cho tỏi đen vào thẩu, bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh và dùng dần.
Ngoài ra, trong quá trình làm, các chị em cũng có thể mở nắp nồi cơm ra kiểm tra tỏi hàng ngày. Sau khi mở ra thì phải đóng nắp lại ngay, mỗi lần mở không để quá 5 phút. Để tránh ảnh hưởng đến kết quả sản phẩm.
Nhật ký quá trình làm tỏi đen
Ngày 1: Đây là ngày chúng ta bắt đầu thực hiện và cho tỏi vào ủ trong nồi cơm điện. Lúc này, chưa có hiện tượng gì xảy ra.
Ngày 2: Lúc này, nồi tỏi nóng ran, khi mở ra kiểm tra hãy cẩn thận. Tỏi có màu trắng và có mùi giống với ngô bung.
Ngày 3: Tỏi vẫn màu trắng nhưng bắt đầu mềm hơn và có mùi dịu hơn so với ngày đầu.
Ngày 4: Tỏi vẫn chưa chuyển màu, nhưng đang chín dần từ bên trong và có mùi thơm dịu.
Ngày 5: Tỏi lúc này bắt đầu ngả sang màu hơi nâu.
Ngày 6: Lúc này, tỏi của chúng ta đã đi được nửa hành trình rồi đấy, các tép tỏi bắt đầu có màu nâu đen.
Ngày 7: Tỏi đã chuyển sang màu đen hơn so với ngày trước. Bạn sẽ thấy một số củ có màu sẫm hẳn.
Ngày 8: Lúc này màu đen của tỏi đã xuất hiện rõ rệt.
Ngày 9: Tỏi đang trong quá trình chuyển đổi.
Ngày 10: Tép tỏi bóc ra có màu nâu đen. Nếm thử không còn vị cay và hắc của tỏi tươi.
Ngày 11: Tỏi bắt đầu khô, tép tỏi có màu đen. Nếm thử thấy mềm, dẻo, có vị chua chua, ngọt ngọt.
Ngày 12: Tỏi đã đen và đẹp hơn những ngày trước rồi đấy.
Ngày 13: Chúng ta sắp thu hoạch được rồi đây.
Ngày 14: Ngày thu hoạch đã tới rồi. Khi lấy tỏi ra, chúng ta sẽ thấy vỏ tỏi đã khô, tách ra bên trong thấy các tép tỏi màu đen. Dùng tay ấn thấy tép tỏi mềm, dẻo. Dùng thử sẽ thấy có vị ngọt ngọt, chua chua.
Đây là nhật ký quá trình cách làm tỏi đen cho các chị em tham khảo. Tuy nhiên, trong quá trình làm và ủ tỏi, bạn không nên mở nắp nồi ra quá nhiều lần như vậy. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng thành phẩm do quá trình lên men của tỏi đen không ổn định.
Nếu sau 14 ngày mở ra, tỏi đen thành phẩm vẫn còn hơi ướt ướt thì các chị em hãy ủ thêm vài ngày nữa nhé.
Ngoài ra, nếu nhà có trẻ nhỏ, các chị em tuyết đối không nên làm trong nhà nhé, hoặc tìm nơi nào đó không làm ảnh hưởng đến bầu khí quyển của bé. Vì khi làm tỏi đen, các hợp chất sulfur trong tỏi sẽ gây ra mùi hôi và hăng cực khó chịu. Đặc biệt là trong 3 – 4 ngày đầu làm tỏi. Các chị em hãy lưu ý điều này nhé.
Chúc các chị em thành công!