Ngày Tiến lấy vợ, ai ai cũng chê anh khờ. Có người còn mạnh miệng nỏi rằng Tiến bị “con hồ ly tinh” ấy “úp sọt”. Rồi mọi người bắt đầu thương hại, lo lắng cho tương lai của anh chàng “lành như đất ấy”. Họ nói Tiến quá hiền lành và tử tế so với một cô gái từng tranh chồng, cướp vợ người ta.
Còn nhớ, hôm cưới, cô dâu đi bên Tiến mà mặt buồn rười rượi. Mấy người ác miệng còn nói là cô “đóng kịch” bởi vì lấy được Tiến chẳng khác nào vớ được cục vàng mà còn giả bộ. Nhưng chỉ có mình Tiến hiểu, vợ đang khóc thầm trong đau đớn. Tiến nắm tay vợ thật chặt. Kệ cho ai có nói gì thì nói, kệ cho gia đình có không thừa nhận, anh tự nhủ sẽ yêu người vợ tội nghiệp này của mình. Dù cho Tiến có thiệt thòi bao nhiêu đi chăng nữa.
Không phải ngẫu nhiên mà cuộc hôn nhân đó bị người ta bàn ra tán vào ghê gớm đến vậy. Ở nơi Tiến sống, nơi Tiến làm ai mà chẳng biết “Tiến khờ”. Sở dĩ gọi anh như vậy là vì anh khờ thật. Ai nhờ gì cũng làm, thậm chí còn thiệt vào thân cũng vẫn vui vẻ. Tiến chưa yêu ai mà chắc cũng chẳng có ai yêu bởi vì Tiến khờ quá. Cứ gặp con gái là Tiến đã đỏ bừng mặt lên rồi.
Nghe đâu, ngày trước Tiến cũng đi “tán gái” vài lần. Là do bố mẹ đưa đến nhà giới thiệu. Hôm nào đi có bố thì không sao chứ bố cứ về trước là hai bên ngồi đực ra xem tivi từ lúc tới cho tới lúc về. Người ta là con gái nên ngoài việc im lặng chờ gợi chuyện từ Tiến thì chẳng biết làm gì khác. Nhưng Tiến thì chẳng biết nói gì, chẳng lẽ nói: “Em có lấy anh không?”
Tiến học giỏi, làm ra nhiều tiền, bởi thế mà cái việc Tiến lấy một cô vợ như Hạnh mới là nỗi khổ tâm của cả gia đình. Ai cũng biết Tiến khờ khạo nhưng vì Tiến có nhiều tiền nên mọi người càng lo Tiến bị chài. Bởi thế cho hôm Tiến dẫn Hạnh về nhà ra mắt, mẹ Tiến khóc như mưa rồi bỏ lên phòng vì không chấp nhận mối quan hệ đó. Ai cũng nghĩ chỉ cần phản ứng mạnh mẽ Tiến sẽ bỏ cuộc ngay vì xưa nay Tiến không cãi lời bố mẹ bao giờ. Vậy mà không! Lần này, Tiến đứng đậy quả quyết: “Bố mẹ không cho con cũng cứ lấy”.
Mẹ Tiến như điên dại sau câu nói đó của Tiến. Bà vẫn thường nói: “Con lấy ai cũng được, xấu đẹp gì không quan trọng, miễn là tử tế”. Mà với Hạnh, hai từ “Tử tế” đó khó mà được áp dụng. Ở nơi mà Tiến sống người ta không lạ gì vụ đánh ghen kinh điển của một người vợ có chồng đi ngoại tình, mà nạn nhân của vụ đánh ghen đó là Hạnh.
Hạnh đã từng yêu một người đàn ông có vợ. Trước đấy, ai cũng bảo Hạnh ngoan hiền, đảm đang, tháo vát. Người ta thấy thi thoảng có một người đàn ông đến chơi, rồi lại đi, có khi cả tuần trời sau không thấy đâu. Chuyện đó đã tạo ra nhiều dị nghị, bàn tán nhưng phải đến khi có màn đánh ghen kinh khủng ấy người ta mới khẳng định chắc chắn rằng: Hạnh cặp bồ với người có vợ!
Lần đó, Hạnh bị mụ ta cắt trọc cả tóc, nhìn gớm ghiếc. Hạnh không chống cự lại mà chỉ ngồi khóc. Nhưng hàng xóm chẳng ai bênh, vì họ nghĩ: “Có gan làm, có gan chịu. Không ai bênh cái đồ cướp chồng”. Chẳng ai chịu nghe một lời giải thích cho câu chuyện tình oan nghiệt đó. Họ đứng ngoài bĩu môi, cười chê rồi bàn tán.
Hôm ấy, chỉ duy có Tiến vừa đi làm về thấy vậy lao vào bênh Hạnh. Nhờ có Tiến can thiệp mà người đàn bà kia chịu buông tha ra về kèm theo một câu dằn mặt: “Mày cứ liệu hồn đấy”. Tiến đã đưa cô gái vào nhà. Mọi người cũng ngăn Tiến không nên tốt quá với kẻ chẳng đáng để tốt như vậy nhưng Tiến mặc kệ. Tiến làm theo những gì mà anh thấy là đúng.
Bẵng đi rồi người ta cũng quên chuyện Hạnh bị đánh ghen. Ai rồi cũng phải sống cuộc sống của mình nên chẳng ai hơi sức đâu mà nhớ mãi về một vụ cướp chồng như thế. Mọi người cũng không đủ thời gian để nhận ra mái tóc bị cắt trụi hôm nào của Hạnh giờ đã dài ngang vai. Cô đi đi, về về kín kẽ, lặng lẽ..
Mọi việc chỉ bùng lên khi Tiến tuyên bố cưới vợ. Đám cưới không có bố mẹ, không có người thân mà được tổ chức ở nhà văn hóa của khu phố. Có một vài người bạn cũ, đồng nghiệp và đại diện từ khu phố. Lần này người ta nói còn nhiều hơn vụ Hạnh bị đánh ghen. Người ta đặt ra các giải thiết: Tiến bị lừa, Hạnh có bầu, Tiến buộc phải cưới…
Mặc dù mọi lời phỏng đoán được đưa ra nhưng sự thật thế nào chỉ riêng mình Tiến biết. Tiến vẫn khù khờ và im lặng như thế. Tiến không quen giải thích nhiều. Một mình Tiến biết vợ mình đã khóc như thế nào là đủ rồi. Đêm tân hôn, Hạnh đã mím chặt môi bật khóc. Tiến ôm vợ vào vào lòng. Đêm ấy, trên tấm ga trải giường có vết máu….
Đâu phải ai cũng biết được rằng, trong cuộc tình với người đàn ông có vợ đó, Hạnh mới là nạn nhân, mới là kẻ bị lừa. Cô mất niềm tin nhưng không mất sự trinh trắng… Chỉ có điều, nếu không phải một người dùng cái tâm để hiểu thì chẳng bao giờ biết được tận cùng sự thật đó.
Di Linh (Khampha.vn)