Răng ê buốt hay còn gọi là răng nhạy cảm đang là bệnh lý rất phổ biến hiện nay do rất nhiều nguyên nhân gây nên. Nếu khi ăn uống những đồ ngọt, chua, nóng, lạnh, hoặc khi hít thở trong môi trường không khí lạnh khiến bạn cảm thấy đau răng hay ê buốt thì điều đó có nghĩa là bạn đang bị triệu chứng răng nhạy cảm. Triệu chứng này có thể xảy ra và mất đi theo thời gian. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời, bệnh có thể trở nặng và kéo theo nhiều căn bệnh răng miệng khác. Vậy răng ê buốt là do đâu? Tại sao lại xuất hiện tình trạng răng ê buốt?
>> Cách tẩy trắng răng an toàn hiệu quả không hóa chất độc hại
Để có câu trả lời cho những câu hỏi trên, trước hết chúng ta hãy cùng đi tìm hiểu về cấu trúc cơ bản của răng như thế nào.
Câu trúc răng
Cấu tạo răng gồm có 3 lớp. Một lớp men răng ở ngoài cùng có độ dày mỏng tùy vào mặt răng. Men răng có chức năng bảo vệ lớp ngà răng bên trong chứa rất nhiều ống ngà. Và kế đến là lớp tủy răng trong cùng, là nơi chứa các mạch máu và các dây thần kinh bên trong giúp dẫn truyền thông tin, tín hiệu đến não.
Tại sao răng hay bị ê buốt ?
Răng ê buốt khi lớp men răng bảo vệ bên ngoài bị bào mòn, phá hủy, hoặc bị tụt nướu, làm lộ lớp ngà răng bên trong. Phần ngà răng không được bảo vệ lúc này chứa hàng ngàn ống nhỏ dẫn đến trung tâm thần kinh (được gọi là ống ngà) dễ dàng bị các tác nhân bên ngoài kích thích và truyền tín hiệu đến hệ thần kinh qua các dây thần kinh có trong tủy răng. Do đó, điều này lý giải vì sao khi tiếp xúc với các đồ ăn, thức uống có nhiệt độ quá nóng hay quá lạnh, hoặc do tiếp xúc với axit trong nước bọt… các dây thần kinh trong răng sẽ bị kích thích và truyền đạt tín hiệu đau đớn và ê buốt. Đặc biệt là răng nhạy cảm, sẽ rất dễ cảm nhận các tín hiệu này rõ ràng hơn bình thường.
Răng ê buốt nguyên nhân do đâu?
#1. Chế độ chăm sóc răng miệng
Đôi khi việc chải răng hàng ngày tưởng chừng như rất đơn giản nhưng lại là một trong những nguyên nhân gây ra ê buốt ở răng mà đa số chúng ta đều không để ý tới.
Việc chải răng với kem đánh răng có nhiều chất tẩy trăng như hydrogen peroxide, carbamide peroxide,… Hoặc chải răng không đúng cách hay đánh răng quá nhiều lần trong ngày có thể gây tụt nướu và bào mòn lớp men răng.
Do đó, cần lưu ý sử dụng bàn chải lông mềm để tránh làm mòn men răng. Đánh răng đúng cách theo chuyển động tròn 2 – 3 lần một ngày. Và tránh sử dụng các loại kem đánh răng tẩy trắng trong thời gian dài. Kem đánh răng tẩy trắng chỉ giúp làm sạch các mảng bám, độ tẩy trắng không đủ để tẩy đi màu răng nguyên thủy. Tuy nhiên, sử dụng loại kem này thường xuyên sẽ có những tác dụng phụ như kích ứng nướu, gây nhạy cảm ở răng,…
#2. Lạm dụng nước súc miệng
Một số loại nước súc miệng có chứa nhiều thành phần tẩy trắng và axit làm trầm trọng thêm tình trạng răng ê buốt nếu lớp men răng đã bị mòn trước đó. Vì vậy, nên sử dụng các loại nước muối sinh lý hay nước súc miệng florua trung tính. Hoặc có thể nhờ nha sĩ tư vấn thêm về các loại nước súc miệng phù hợp với tình trạng răng miệng hiện tại.
#3. Tẩy trắng răng không đúng cách
Tẩy trắng răng giúp mang lại hàm răng trắng sáng, là những điều mà ai cũng ao ước. Tuy nhiên, tẩy trắng răng không đúng kỹ thuật như: sai quy trình, dùng thuốc với nồng độ quá mức cho phép,… rất dễ dẫn tới tình trạng răng nhạy cảm. Do quá trình tẩy trắng đã làm tụt nướu khi mô nước bị kích thích bởi thuốc và răng bị mất lớp bảo vệ bề mặt. Vì vậy, việc tự ý tẩy trắng răng tại nhà sẽ rất nguy hiểm. Tốt nhất nên tới các phòng khám nha khoa uy tín để có sự tư vấn phù hợp với tình trạng răng hiện tại của bạn. Hoặc có thể tham khảo các cách tẩy trắng răng tự nhiên an toàn để tự tẩy trắng tại nhà mà không gây ra các bệnh răng miệng.
#4. Chế độ ăn uống
Chế độ ăn uống chứa nhiều axit hoặc có hàm lượng đường cao trà, soda, nước ngọt, trái cây họ nhà cam,… Hay ăn uống quá nhiều đồ chua, cay, nóng, lạnh đột ngột cũng là một trong những nguyên nhân gây xói mòn men răng rất phổ biến hiện nay dẫn đến tình trạng răng ê buốt.
Ngoài ra, chứng trào ngược thực quản cũng có thể gây ra tình trạng răng ê buốt bởi các axit có trong khoang miệng.
#5. Bệnh răng miệng
Các bệnh răng miệng như bệnh nha chu, sâu chân răng, bệnh viêm nướu, hay răng bị sứt mẻ hoặc hỏng,… đều là cơ hội tốt để vi khuẩn răng miệng tấn công, dẫn đến răng nhạy cảm. Nặng hơn có thể gây sốt, viêm nhiễm và lỡ loét,… Tuy nhiên, cảm giác buốt và đau răng thường chỉ xuất hiện thoáng qua rồi biến mất. Do đó, chúng ta thường chủ quan mà bỏ qua. Vì vậy, để giảm thiểu tình trạng trên, chúng ta nên có lịch khám nha khoa định kỳ để có giải pháp phòng ngừa tốt nhất.
#6. Nhạy cảm nha khoa
Các thủ thuật nha khoa có thể gây ra tình trạng nhạy cảm ở răng tạm thời sau khi lấy cao răng, mài răng, diệt tủy hoặc tại các vị trí trám răng, bọc răng, trồng răng,… Tuy nhiên cảm giác ê buốt răng này chỉ là tạm thời và sẽ biến mất trong vài ngày sau đó.
Ngoài ra, tuổi tác và một số thói quen xấu như nghiến răng cũng có thể gây ra răng nhạy cảm. Răng ê buốt không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt ăn uống thường ngày mà còn khiến cơ thể trở nên mệt mỏi và suy nhược. Hơn nữa, răng ê buốt trở nặng còn có thể kéo theo rất nhiều bệnh lý răng miệng nguy hiểm. Do đó, chúng ta cần phải cẩn thận chú ý vệ sinh răng miệng đúng cách; hạn chế ăn uống các món ăn, thức uống nóng, lạnh, chua, ngọt; đeo khẩu trang, giữ ấm cơ thể trong môi trường lạnh và tránh lạm dụng các chất làm trắng răng để phòng ngừa cũng như hạn chế sự phát triển của bệnh răng nhạy cảm. Bên cạnh đó, đặt lịch khám nha khoa định kỳ là không bao giờ thừa để có sức khỏe răng miệng tốt và sự tự tin trong giao tiếp.