Những biểu hiện như da khô, ngứa, phù nề, chảy nước, bong vảy,… có thể báo hiệu cho các mẹ tình trạng viêm da dị ứng ở trẻ em. Các mẹ cần biết được những biểu hiện của bệnh và cách điều trị hợp lý.
>> Trẻ bị dị ứng bột ăn dặm phải làm sao?
1. Viêm da dị ứng ở trẻ em là gì?
Viêm da dị ứng là bệnh mãn tính về da, tình trạng da có thể khô và ngứa, phù nề, chảy nước, bong vảy,…
Viêm da dị ứng thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ em, nhưng bệnh này có thể xảy ra với bất kỳ ai. Những người sống ở thành phố và các khu vực khí hậu khô có nhiều khả năng mắc bệnh này hơn.
Viêm da dị ứng ở trẻ em: Mùa đông, thời tiết lạnh và khô hanh là điều kiện thuận lợi cho bệnh viêm da dị ứng ở trẻ em phát triển. Bệnh thường bắt đầu trong năm đầu đời và có đến 85% trẻ mắc bệnh tiếp tục đến 5 tuổi.
2. Các biểu hiện của bệnh
- Ở trẻ nhỏ:
Tùy theo từng giai đoạn mà bệnh có biểu hiện khác nhau:
– Giai đoạn cấp tính: Các mụn nước tập trung thành từng đám trên nền da đỏ, phù nề, chảy nước, ngứa nhiều.
– Giai đoạn bán cấp: thương tổn da ít phù hơn, bắt đầu khô và ngứa ít.
– Giai đoạn mạn tính: da dày, bong vảy, lichen hóa, vẫn còn ngứa.
Nếu bị bội nhiễm thì xuất hiện thêm các mụn mủ, đau, rát, có thể loét… Vị trí thương tổn hay gặp nhất là ở má, trán, cằm. Trường hợp nặng, thương tổn lan ra tay, chân, mình.
- Ở trẻ lớn/người lớn:
Thương tổn cơ bản là các sẩn màu nâu tập trung trên nền da dày, rất ngứa. Vị trí hay gặp nhất là các nếp gấp như vùng khoeo chân, khuỷu tay, cổ, nách…
3. Chăm sóc viêm da dị ứng ở trẻ
Viêm da dị ứng làm mất nước, khô da, gây tổn thương dạng khe nứt nhỏ trên da là đường vào cho các tác nhân kích thích, dị nguyên và vi trùng. Chăm sóc tại nhà thích hợp rất quan trọng để giúp trẻ dễ chịu, mau lành và tránh những biến chứng nguy hiểm. Giữ sạch và làm ẩm da nhằm duy trì chức năng hàng rào bảo vệ của da là biện pháp cơ bản của điều trị bệnh.
Các biện pháp khác là tránh chất kích thích, dị nguyên đặc hiệu và điều trị giảm ngứa, kháng viêm, kháng sinh theo hướng dẫn y tế.
– Làm sạch da: tắm rửa trẻ hàng ngày, lau mặt bằng khăn nhúng nước ấm. Ngâm vùng da tổn thương nặng trong nước ấm 15 – 20 phút, sau đó lau khô nhanh và ngay lập tức bôi chất làm ẩm để ngăn cản tình trạng bốc hơi làm khô da. Ngâm da 1 – 3 lần/ngày tùy độ nặng của bệnh.
– Bôi chất làm ẩm: để duy trì độ ẩm ở da suốt cả ngày cần bôi các chất làm ẩm dạng dung dịch, dầu, kem hoặc thuốc mỡ theo hướng dẫn của y tế ngay sau khi tắm. Thời tiết khô hanh nên chọn loại thuốc mỡ, vì thành phần có ít tá dược nhất và tác dụng kết dính nhiều hơn.
– Giảm ngứa và kích ứng: duy trì giấc ngủ bình thường và ổn định tâm lý trẻ, vì stress cũng là một nguyên nhân dẫn đến thói quen gãi ngứa ở trẻ. Cắt móng tay cho trẻ, mang bao tay, vớ ban đêm để tránh tổn thương da do gãi ngứa. Thuốc kháng histamin có thể dùng hỗ trợ. Chất tẩy rửa, hóa chất, xà phòng, cồn và các sản phẩm chăm sóc da phải tránh dùng. Chọn quần áo thấm mồ hôi, cho trẻ ở phòng máy lạnh để giảm ra mồ hôi. Tránh những thức ăn dị ứng. Không cho trẻ chơi dưới đất, không chơi với súc vật hay thú nhồi bông.
– Chỉ bôi thuốc kháng viêm, kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ, lưu ý không pha trộn hay bôi cùng với chất làm ẩm vì sẽ làm giảm hiệu quả điều trị. Đưa trẻ đến cơ sở y tế khi có dấu hiệu sốt, ngứa nhiều phải thức giấc ban đêm, tổn thương da trở nên đỏ hơn và chảy máu, có mủ, đóng vảy màu vàng, hoặc nếu tổn thương da không giảm sau 1 tuần để được khám và điều trị kịp thời.
4. Cần chú ý trong điều trị viêm da dị ứng ở trẻ em:
– Lúc bệnh đã giảm hay đã ổn định vẫn phải tiếp tục bôi thuốc. Tuy nhiên cần thay đổi, không nên bôi một loại thuốc quá 10 ngày.
– Không lạm dụng corticoid: Thuốc này bôi không quá 10 ngày, không sử dụng loại corticoid nặng cho trẻ em.
– Sử dụng kháng sinh khi có bội nhiễm.
– Trẻ lớn/người lớn có thể sử dụng các phương pháp khác như ánh sáng trị liệu, chiếu tia cực tím, các thuốc ức chế miễn dịch.
Đảm bảo chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý. Tránh dùng các thuốc không rõ nguồn gốc điều trị.
Phải điều trị duy trì kể cả khi bệnh đã thuyên giảm để tránh tái phát và các biến chứng.