Bệnh ho ở trẻ em thường rất dai dẳng và luôn gây ra rất nhiều khó chịu cho trẻ và cho bố mẹ. Hãy cùng tìm hiểu các chú ý khi trẻ bị ho nhé.
Triệu chứng
Ho là triệu chứng khá phổ biến ở các bé. Nguyên nhân thường do các kích ứng từ không khí hoặc bệnh ở cổ họng và phổi.
– Ho nặng vào buổi sáng; ho kèm sốt có thể do virus. Khi virus xâm nhập, gây đau họng hoặc cảm lạnh thì bé thường ho ra đờm xanh (vàng) trong vài ngày đầu tiên.
Nếu triệu chứng nhẹ thì không cần điều trị, cơn ho sẽ tự khỏi. Bé có thể bị ho do ốm sốt hoặc cảm lạnh. Khi các triệu chứng sốt, cảm lạnh giảm thì cơn ho cũng biến mất theo.
Nên cho bé uống đủ nước (sữa với bé nhũ nhi), nhất là khi trời nóng bức. Bác sĩ có thể chỉ định cho bé dùng paracetamol. Phần lớn các triệu chứng sẽ giảm sau 4-5 ngày, dù ho nhẹ vẫn tiếp diễn hàng tuần.
– Ho kèm khò khè; ho liên tục, ho khan, ho nhiều vào buổi tối có thể do hen suyễn. Đặc biệt với gia đình có tiền sử hen suyễn.
Nguyên nhân
Vào mùa lạnh, các bé dễ bị mắc các bệnh về đường hô hấp. Các bệnh này đều có chung đặc điểm như ho có đờm, ho sâu, tiếng ho khan và kèm sổ mũi.
Nhưng bé có thể cũng bị ho vì bé đi ngủ ngay sau khi ăn uống hoặc do ban ngày con trẻ vui đùa, chạy nhảy quá nhiều.
Với các bé bị ho về đêm, hoặc ho lúc ngủ trưa, sặc từng cơn, dẫn đến nôn trớ, theo bác sĩ Ngô Ngọc Liễn – Viện Tai mũi họng Trung ương cho biết, đây là triệu chứng của ho ngang. Bé bị ho do khi ngủ, nghỉ, con nằm trong tư thế ngang, do “trào ngược” dạ dày, thực quản.
Ho “ngang” thường xảy ra với các bé hay ăn uống sát giờ đi ngủ, thức ăn không kịp tiêu hóa cùng lượng dịch vị tiết ra nhiều hơn trong giấc ngủ, gây ứ, trướng dạ dầy. Sau một thời gian dài ăn uống đêm liên tục, các cơ của bé suy yếu, không khép kín được miệng trên của dạ dày, tạo đều kiện cho các chất dịch ứ trong dạ dày, trào ngược lên thực quản, rỉ ra họng, tràn vào thanh quản, gây ho sặc từng cơn.
Phòng tránh
Để phòng tránh ho cho trẻ, cần thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, nhà ở phải thoáng mát. Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, đặc biệt là vấn đề rửa tay. Tránh để trẻ tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm do khói xe cộ, khói thuốc lá và bụi bặm. Cần tiêm vaccine cho trẻ để phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, cúm, sởi…
Điều trị
Nếu trẻ bị ho được chăm sóc tại nhà, cần bảo đảm các chế độ dinh dưỡng. Đối với trẻ còn bú mẹ, nên tiếp tục cho trẻ bú, không nên ngừng.
– Với bé trên 1 tuổi, nâng đầu giường (đầu cũi) của bé với vài quyển sách. Có thể kê thêm gối cho bé. Với bé dưới 1 tuổi, không được kê cao đầu của bé.
– Đối với trẻ dưới 5 tuổi, cần chú ý thêm vệ sinh mũi họng, phát hiện dấu hiệu trẻ khó thở như có nhịp thở nhanh, có triệu chứng rút lõm lồng ngực, có tiếng thở rít và tiếng thở khò khè.
– Dùng máy tạo độ ẩm cho phòng của bé. Hoặc có thể đun một ấm nước sôi trong phòng ngủ của bé vài phút. Nhớ mở nắp ấm. Tránh cho bé lại gần ấm nước. Không đun nước khi không có người lớn canh chừng. Hơi nước khiến không khí không bị khô, giúp bé dễ thở, thông đờm dãi.
– Nhỏ vào mặt sau của gối hoặc khăn trải cũi giọt tinh dầu thơm (loại dành cho bé) cũng giúp bé dễ thở. Hoặc nhỏ tinh dầu vào khăn mùi xoa rồi đặt khăn dưới đệm của bé.
– Mật ong, chanh có tác dụng trị ho cho bé trên 1 tuổi.
– Tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột vì nó khiến cơn ho nặng hơn.