Những điều cần biết về bệnh sởi ở trẻ em

Bệnh sởi vẫn là một trong các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em. Hãy tìm hiểu những điều cần biết về bệnh sởi để phòng tránh và chữa trị nó nhé.

Phương thức lây truyền của sởi?

Những điều cần biết về bệnh sởi
Bệnh sởi lây truyền rất nhanh

Bệnh sởi lây truyền rất nhanh, nhất là trong trường hợp người mang mầm bệnh hắt hơi hoặc ho làm bắn những giọt nước bọt vào không khí, người lành hít vào qua miệng hoặc mũi sẽ bị nhiễm bệnh. Người bệnh phát tán virus ra môi trường xung quanh từ thời kỳ ủ bệnh (trước khi phát ban vài ngày) và kéo dài đến 5-7 ngày sau khi ra ban.

Ai có nguy cơ mắc sởi?

Tại Việt Nam, nhóm có nguy cơ mắc sởi là trẻ nhỏ do không còn miễn dịch từ mẹ truyền sang nhưng chưa được tiêm vắc xin; Trẻ đã tiêm vắc xin nhưng chưa có đáp ứng miễn dịch; Thanh niên do chưa từng mắc sởi hoặc tiêm vắc xin trước đây.

Các biểu hiện của bệnh sởi?

Dấu hiệu đầu tiên của bệnh sởi thường là sốt cao, bắt đầu từ 10- 12 ngày sau khi tiếp xúc với vi rút, và kéo dài từ 4 – 7 ngày.

Những điều cần biết về bệnh sởi
Sốt cao là dấu hiệu nhận biết trẻ bị bệnh sởi

Chảy nước mũi, ho, mắt đỏ và chảy nước mắt, và các đốm trắng nhỏ bên trong má có thể là dấu hiệu bệnh ở giai đoạn đầu. Sau vài ngày, xuất hiện phát ban, thường là trên mặt và cổ.

Trong khoảng ba ngày, phát ban lan rộng, cuối cùng đến tay và chân. Phát ban kéo dài 5-6 ngày, và sau đó bay dần. Tính trung bình, phát ban xuất hiện sau 14 ngày sau khi tiếp xúc với vi rút (trong phạm vi từ 7 đến 18 ngày).

Sự nguy hiểm của bệnh viêm phổi và bệnh sởi?

Theo Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm ghi nhận trên 1,1 triệu trẻ dưới 5 tuổi tử vong do viêm phổi, nhiều hơn cả số tử vong do bệnh AIDS, sốt rét và lao cộng lại. Sởi cũng là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ nhỏ, tuy nhiên có số tử vong thấp hơn rất nhiều so với bệnh viêm phổi. Trong năm 2012 đã ghi nhận 122.000 trường hợp tử vong do sởi, ước tính mỗi ngày có khoảng 330 trường hợp và mỗi giờ có khoảng 14 trường hợp tử vong do sởi trên phạm vi toàn cầu, hầu hết trường hợp tử vong là trẻ dưới 5 tuổi.

Các biện pháp chủ yếu phòng bệnh sởi?

  • Tăng cường vệ sinh cá nhân.
  • Nâng cao sức đề kháng cơ thể.
  • Tiêm vắc xin phòng bệnh sởi.
  • Hạn chế tiếp xúc với người bệnh
  • Cách ly và chăm sóc y tế bệnh nhân.
  • Thông báo cho cơ sở y tế khi có biểu hiện mắc bệnh

Điều trị và chăm sóc bệnh sởi?

Những điều cần biết về bệnh sởi
Giữ vệ sinh cho trẻ là một cách để phòng tránh bệnh sởi
  • Giữ gìn vệ sinh cho trẻ, tắm rửa hằng ngày, vệ sinh răng miệng đúng cách.
  • Cho trẻ nằm nơi mát mẻ thoáng khí, không cần phải kiêng nước, kiêng gió.
  • Rửa, nhỏ thuốc mũi hoặc mắt cho trẻ bằng nước muối sinh lý hoặc thuốc nhỏ mắt mũi chuyên dùng khoảng 3, 4 lần/ ngày.
  • Nên ăn các loại thức ăn mềm, lỏng tốt cho hệ tiêu hóa, nên ăn nhiều trái cây, uống nhiều nước hoa quả, uống nhiều nước để phòng bé bị mất nước do tiêu chảy hoặc sốt cao.
  • Nếu trẻ không bị biến chứng thì tuyệt đối không dùng kháng sinh chỉ nên dùng B1, vitamin C liều cao. Nếu trẻ bị biến chứng khi liên tục bị sốt cao thì nên hạ nhiệt bằng cách dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sỹ. Hãy đưa trẻ đến các trung tâm y tế uy tín để bác sỹ kiểm tra đề phòng những biến chứng nguy hiểm gây viêm nhiễm các bộ phận khác nhau trong cơ thể.

Xem thêm: Những bệnh ngoài da ở trẻ nhỏ thường gặp