Nếu vợ chồng bạn đang lo lắng về khả năng sinh sản của mình và quyết định tìm đến bác sĩ, các vấn đề liên quan tới sức khỏe sinh sản bên dưới sẽ giúp bạn có sự chuẩn bị tinh thần trước khi đi khám.
Vì vấn đề sinh sản là mối bận tâm chung, vợ chồng bạn nên cùng nhau đến buổi khám đầu tiên. Nhớ đem theo bệnh án và bản sao cần thiết cho bác sĩ xem để tránh rắc rối và mất thời gian lẫn tiền bạc cho việc khám lại. Chuẩn bị trả lời các câu hỏi về vấn đề sinh lý trước đây, ví dụ như bạn hay chồng bạn có từng bị các bệnh lây qua đường tình dục hay bao lâu thì hai bạn quan hệ một lần… Chuyện riêng của hai bạn sẽ chẳng còn là chỉ hai vợ chồng biết với nhau nữa, bạn nên thoải mái chia sẻ với bác sĩ.
Bạn nên đọc từ đầu đến cuối danh sách các câu hỏi bên dưới, mỗi câu hỏi đều có kèm theo phần giải thích để bạn có thể hiểu rõ hơn. Đây là những vấn đề bạn nên thông tin cho bác sĩ.
Tên:
Ngày sinh:
Tên chồng:
Ngày sinh của chồng:
Cân nặng:
Chiều cao:
Tình trạng sức khỏe hiện tại:
Bạn đã cố gắng thụ thai mấy tháng rồi? (Phụ nữ dưới 35 tuổi nên cố gắng có thai một năm trước khi tìm kiếm sự giúp đỡ, phụ nữ trên 35 hay những người có bệnh mãn tính hoặc đã xác định có vấn đề ảnh huởng đến khả năng sinh sản nên tìm sự giúp đỡ sau 6 tháng).
Bạn đã thử vẽ một biểu đồ thân nhiệt cơ bản và chu kỳ rụng trứng của mình chưa? (Ngoài việc cho biết khả năng thụ thai của bạn khi nào là tốt nhất, biểu đồ còn có thể cho biết bạn có đang rụng trứng thường xuyên hay không).
Tiểu sử kinh nguyệt
Chu kỳ kinh nguyệt của bạn có đều không? Ví dụ, số kỳ hành kinh của bạn nhiều hay ít hơn một lần một tháng? (Một chu kỳ bất thường có thể cho thấy bạn rụng trứng không thường xuyên hoặc có vấn đề với tuyến giáp hay với hormone tiết sữa hoặc bị đa nang buồng trứng. Nếu bạn trên 40 tuổi, chu kỳ bất thường có thể do tình trạng mãn kinh sớm. Dù bạn rơi vào bất cứ trường hợp nào kể trên, nên tìm sự giúp đỡ ngay vì chờ đợi thụ thai tự nhiên thường chỉ lãng phí thời gian).
Mỗi lần hành kinh, bạn có ra máu nhiều không? (Thông thường lượng máu ra sẽ thay đổi từ tháng này đến tháng khác nhưng nếu lượng máu kinh của bạn khác nhau rõ rệt mỗi tháng, có thể bạn gặp vấn đề về rụng trứng. Còn nếu máu ra nhiều một cách đột ngột, có thể có một khối u trong nội mạc tử cung).
Chu kỳ kinh nguyệt của bạn kéo dài bao lâu? (Chu kỳ kinh nguyệt được tính từ ngày đầu tiên của một kỳ hành kinh đến kỳ hành kinh kế. Một chu kỳ 24-35 ngày là bình thường).
Bạn có chảy máu giữa chu kỳ không? Hay bất kỳ việc ra máu không rõ nguyên nhân nào khác?
Trong lúc hành kinh, bạn có đau dữ dội vùng chậu hay bị chuột rút hay không? (Hầu hết phụ nữ đều thấy khó chịu trong suốt kỳ hành kinh nhưng đau vùng chậu có thể là dấu hiệu của bệnh lạc nội mạc tử cung hay dính vùng chậu).
Bạn hành kinh trước hay sau 18 tuổi? (Việc hành kinh sau 18 tuổi có thể báo hiệu tình trạng mất cân bằng nội tiết tố hay rối loạn nội tiết sinh sản).
Tiểu sử bệnh lý
Bạn có thấy nặng nề ở vùng khung xương chậu? (Điều này có thể là triệu chứng của u xơ tử cung).
Bạn có từng được chẩn đoán bị bệnh lạc nội mạc tử cung? (Đây có thể là căn nguyên của tình trạng khó sinh ở phụ nữ).
Bạn có từng được chẩn đoán bị buồng trứng đa nang? (Đây là một chứng rối loạn rụng trứng).
Bạn có từng có tiểu sử phết tế bào cổ tử cung bất thường? (Việc này có thể dẫn đến việc sử dụng những phương thức chẩn đoán gây ảnh hưởng đến chất nhầy cổ tử cung chẳng hạn như kỹ thuật sinh thiết hình nón hay sinh thiết chóp cổ tử cung).
Bạn có từng thắt ống dẫn trứng hay không? Bạn đã đảo ngược nó sau đó? (Mô sẹo có thể ngăn cản sự thụ thai hay làm tăng nguy cơ thai ngoài tử cung).
Bạn có mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường, bệnh tuyến giáp hay tăng huyết áp? (Một số phương pháp điều trị các bệnh mãn tính nói trên có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và tăng cao rủi ro khi mang thai).
Bạn có đang uống bất kỳ loại thuốc nào hay không? (Steroids và các loại thuốc khá, kể cả các loại thuốc thảo dược có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của bạn).
Bạn có từng gặp biến chứng trong những lần mang thai hoặc sinh con trước đây? (Một số biến chứng có thể gây ra sẹo hay làm trầm trọng thêm những yếu tố cản trở khả năng sinh sản của bạn).
Bạn có từng sẩy thai trước đây? Một hay nhiều lần? Lý do sẩy thai là gì? Bạn được phát hiện sẩy thai trong tam cá nguyệt đầu hay tam cá nguyệt thứ hai của thai kỳ? (Sẩy thai lặp đi lặp lại có thể có nghĩa là cơ thể bạn cần sự giúp đỡ đặc biệt để mang thai đủ tháng).
Tiểu sử sinh lý
Bạn có từng sử dụng vòng tránh thai hay không? (Vòng tránh thai có thể làm tăng khả năng sưng khung chậu).
Bạn có từng bị các bệnh lây qua đường tình dục hay không? Nếu có, cụ thể là bệnh nào? (Chàm và lậu có liên quan đến vấn đề về ống dẫn trứng và bệnh sưng khung chậu).
Bạn có bị đau khi quan hệ tình dục? (Điều này có thể là dấu hiệu của bệnh lạc nội mạc tử cung hay dính vùng khung chậu do sưng khung chậu).
Bạn có chảy máu sau khi giao hợp? (Tình trạng này có nhiều nguyên nhân, có thể do bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục hay các vấn đề cổ tử cung như viêm cổ tử cung, khối u hay hội chứng loạn sản).
Lịch sử gia đình
Có thành viên nào trong gia đình bạn sinh ra bị dị tật hay gặp các vấn đề về sinh sản? (Một số vấn đề sinh sản mang tính di truyền. Bạn cần nói chuyện với người thân của mình về tiểu sử sinh sản trong dòng họ, đặc biệt là những cặp vợ chồng không con hay những gia đình một con).
Thói quen
(Một số nghiên cứu cho rằng các nhân tố về lối sống có thể ảnh hưởng tới khả năng sinh sản).
Bạn uống bao nhiêu đồ uống chứa caffeine mỗi ngày (cà phê, soda, trà)? (Một số nghiên cứu cho thấy rằng nếu phụ nữ uống cà phê càng nhiều, khả năng có thai càng ít. Thậm chí với phụ nữ đã mang thai, lượng caffeine vượt quá mức cho phép cũng có tác động xấu tới thai nhi).
Bạn có uống rượu hay không? Một tuần bạn uống bao nhiêu? (Một vài nghiên cứu cho thấy phụ nữ uống rượu dù nhiều hay ít đều làm giảm cơ hội thụ thai).
Bạn có hút thuốc hay không? Một tuần bạn hút bao nhiêu gói? (Một số bằng chứng cho thấy chất nicotine trong thuốc lá có thể làm giảm lượng estrogen của phụ nữ).
Bạn có thiếu hay thừa cân? (Vì quá ốm hay quá nặng có thể phá vỡ chu kỳ rụng trứng của phụ nữ).