Cách nấu chè thập cẩm đơn giản mà ngon cho mẹ trổ tài

Chè thập cẩm là một trong những món chè ngon được rất nhiều người yêu thích vì hương vị thơm ngon, lạ miệng độc đáo của nó. Món chè thập cẩm có rất nhiều cách làm và chế biến khác nhau tạo nên rất nhiều hương vị đặc trưng và phong phú. Hôm nay, Hanhphuccuame sẽ giới thiệu đến các chị em 2 cách nấu chè thập cẩm đơn giản mà ngon tại nhà. Các chị em hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để biết 2 cách nấu chè thập cẩm này là gì nhé. 

Cách nấu chè thập cẩm – 1

Cách nấu chè thập cẩm
Cách nấu chè thập cẩm

Nguyên liệu dùng để nấu chè thập cẩm

  • Khoai môn – ¼ củ
  • Khoai lang – 2 củ
  • Đậu đỏ – 1 bát
  • Nước cốt dừa – 250ml
  • Bột báng – 1 bát
  • Đường – điều chỉnh tùy theo sở thích của bạn

Cách nấu chè thập cẩm

Đậu đỏ: bạn vo sạch rồi đem ngâm với nước muối pha loãng trước khi làm khoảng 8 tiếng đồng hồ. Như vậy, hạt đậu khi nấu sẽ nhanh mềm, ít bị sượng và tiết kiệm được nhiều thời gian cũng như năng lượng khi nấu.

Bột báng: bạn đem đi vo sạch rồi cho vào nồi cơm điện nấu khoảng 15 – 20 phút thì rút hẳn nồi cơm. Để biết chắc bột báng đã nở tốt chưa thì bạn hãy quan sát xem. Nếu thấy bột báng có màu trong suốt, ở giữa hơi có chấm nhỏ hơi đục đục là được. Bạn đậy kín nắp nồi cơm điện như vậy thêm 5 – 10 phút nữa thì vớt bột báng ra cho vào ngâm nước lạnh để săn lại. Sau đó, bạn vớt bột báng lên cho vào tủ lạnh bảo quản. Khi nào ăn thì chỉ cần lấy ra và cho vào bát chè là được.

Đậu đỏ: sau khi ngâm xong, bạn đem xả lại với nước sạch rồi cho vào nồi nấu với lượng nước xấp xấp mặt đậu ở lửa nhỏ. Đến khi đậu chín mềm thì bạn vớt ra và cho đậu vào tủ lạnh bảo quản.

Khoai môn và khoai lang: bạn rửa sạch, cắt thành từng khúc nhỏ vừa ăn rồi cho vào nồi nấu mềm. Khi nước bắt đầu sôi, bạn cho đường vào khuấy nhẹ cho tan. Bạn nhớ lưu ý đừng khuấy quá mạnh làm nát khoai nhé. Đợi cho khoai chín mềm và thấm đường, bạn cho tiếp nước cốt dừa vào đảo nhẹ. Để thêm tầm 3 – 5 phút nữa là bạn có thể tắt bếp để nguội.

Vậy là chúng ta đã chuẩn bị xong toàn bộ các nguyên liệu cho món chè thập cẩm rồi. Khi ăn, bạn cho chè ra bát. Rồi cho thêm đậu đỏ và bột báng vào là có thể thưởng thức. Món chè thập cẩm này, bạn có thể thưởng thức nóng hay lạnh đều được. Tuy nhiên, thưởng thức nóng, chè sẽ có vị bùi bùi, béo béo từ khoai và nước dừa rõ hơn và đậm đà hương vị hơn.

Ngoài ra, các chị em cũng có thể tham khảo thêm một cách nấu chè thập cẩm nữa cũng rất đơn giản và ngon như sau.

Cách nấu chè thập cẩm – 2

Cách nấu chè thập cẩm - 2
Cách nấu chè thập cẩm – 2

Nguyên liệu dùng để nấu chè thập cẩm

  • Đậu đỏ – 100g
  • Đậu xanh đãi vỏ – 100g
  • Đậu phộng rang (lạc rang) – 100g
  • Sữa tươi – 200ml
  • Dừa – 1 trái
  • Lá dứa – 5 lá
  • Bột năng – 50g
  • Bột nếp – 50g
  • Đường – 200g (bạn có thể tùy chỉnh lượng đường sao cho vừa ý nhé)
  • Nước cốt dừa – 1 lít

Cách nấu chè thập cẩm

Đậu xanh đãi vỏ: sau khi mua về, bạn vo sạch, nhặt bỏ những hạt lép, hạt sâu rồi cho vào ngâm nước ấm trước khi dùng để nấu chè khoảng 30 phút. Tiếp đến, bạn đem đậu đi xả lại với nước sạch. Rồi cho vào nồi nấu chín hoặc hấp bằng nồi cơm điện rồi tán nhuyễn. 1/3 lượng đậu xanh vừa nghiền nhuyễn, bạn đem đi trộn với sữa và đường. Rồi cho lên chảo sên cho đến khi hỗn hợp đậu xanh se lại. Bạn cho tiếp vani vào trộn đều rồi tắt bếp để nguội. Khi hỗn hợp đậu xanh vừa sên đã nguội, bạn dùng tay ngắt hỗn hợp thành từ miếng nhỏ rồi vo lại thành từng viên bi tròn, nhỏ.

Đậu đỏ: trước khi dùng để nấu chè, bạn đem đậu đỏ đi ngâm với nước muối pha loãng chừng 8 tiếng. Sau đó, bạn vớt đậu ra xả lại với nước sạch rồi cho vào nồi nấu mềm. Khi đậu đỏ bắt đầu mềm, bạn cho đường vào khuấy đều cho đường tan hết và thấm vào từng hạt đậu rồi tắt bếp để nguội. Khi nấu chín đậu đỏ, bạn nhớ là chỉ cho ít nước thôi nhé.

Dừa tươi: bạn nạo lấy cơm dừa. Một nửa bạn đem đi bào sợi. Còn nửa còn lại bạn cắt thành từng hạt lựu nhỏ rồi cho ra một cái bát riêng.

Đậu phộng (lạc): bạn cho lên chảo rang chín rồi bóc bỏ vỏ lụa và để nguyên hột cho ra bát.

Bột năng: bạn cho ra một cái tô lớn. Rồi cho thêm 1/2 bát nước sôi vào trộn đều. Sau đó dùng tay nhào nặn bột. Đến khi bột bắt đầu săn và rắn lại thì chia bột ra thành từng miếng vo tròn. Tiếp đến, bạn đập dẹt dẹt ra, cho từng miếng dừa cắt hạt lựu vào giữa vo lại để làm trân châu. Sau khi hoàn thành xong, bạn đem toàn bộ trân châu đi luộc chín rồi vớt ra cho ngay vào nước lạnh để trân châu dai hơn và vớt ra để ráo nước.

Nước cốt dừa: bạn cho lên bếp đun sôi với lá dứa (lá dứa bạn nhớ quấn lại để lát dễ lấy ra nhé) cho thơm. Trong quá trình đun sôi nước cốt dừa, bạn cho thêm 1 thìa muối, 2 thìa đường và 1 thìa sữa đặc vào hòa tan rồi tắt bếp. Để nước cốt dừa béo hơn nữa thì bạn có thể cho thêm khoảng 100ml sữa tươi vào nhé.

Khi ăn, bạn cho toàn bộ các nguyên liệu đã chuẩn bị ra bát là có thể thưởng thức được rồi.

Cách nấu chè thập cẩm cũng không khó lắm các mẹ nhỉ. Vậy là các mẹ đã biết thêm 2 cách nấu chè thập cẩm mới lạ rồi nhé. Hãy thử làm ngay món chè ngon này vào cuối tuần cho cả nhà cùng thưởng thức nhé.

Chúc các chị em thành công.

HPCM

Ý kiến bạn đọc