Mang thai nên ăn gì để con thông minh và khỏe mạnh là điều được tất cả các bậc làm cha mẹ quan tâm. Đúng như vậy, chế độ sinh hoạt, ăn uống và nghỉ ngơi của người mẹ trong thời kỳ mang thai đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe và sự phát triển trí não của thai nhi.
Sự phát triển não bộ của thai nhi
Não bộ của thai nhi bắt đầu phát triển từ khoảng tuần thứ 8 của thai kì và phát triển nhanh nhất ở 3 tháng cuối của thai kì cho tới lúc trẻ 1 tuổi. Phát triển trí thông minh của trẻ cần phải được quan tâm rất sớm ngay từ khi mẹ mang thai. Và sẽ thật đáng tiếc nếu các mẹ ngay từ khi mang bầu, không quan tâm để tác động trí não trẻ bởi họ không biết mình đang để phí mất cơ hội làm cho con mình thông minh hơn.
Các công trình nghiên cứu cho thấy, sự phát triển của trí não thai nhi ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của đứa trẻ, nó quyết định trực tiếp đến khả năng tư duy, sự thông minh và các kĩ năng sống của đứa trẻ sau này. Và “thời điểm vàng” giúp thai nhi phát triển trí não tốt nhất chính là khoảng thời gian 3 tháng cuối thai kì và 12 tháng sau khi sinh. Lúc này, trí não trẻ phát triển rất nhanh và đạt 25% và 75% não người trưởng thành.
Dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển trí não của thai nhi
Dinh dưỡng có vai trò quyết định đến sự phát triển trí não của trẻ và đây là việc các bà mẹ có thể thực hiện dễ dàng nhưng lại ít được hiểu đầy đủ và đúng. Các nhà khoa học đã chứng minh khả năng ảnh hưởng đến sự phát triển trí não của các dưỡng chất quan trọng như DHA, Choline, acid Folic, sắt, kẽm, iốt, vitamin B12. Cụ thể:
DHA: Đây là acid béo quan trọng thúc đẩy não bộ phát triển và nâng cao trí tuệ. Ngoài ra, DHA còn có công dụng cải thiện chức năng thị giác cho trẻ. Tuy nhiên cơ thể mẹ lại không tự tổng hợp được DHA mà cần được bổ sung từ các nguồn thức ăn.
Choline: Acid amin cần thiết cho sự phát triển màng tế bào và hình thành não bộ, ảnh hưởng trực tiếp đến việc tổng hợp và giải phóng chất dẫn truyền thần kinh acetyl choline, giữ vai trò quan trọng với não bộ và trí nhớ. Choline có khả năng hỗ trợ trí nhớ và học hỏi của trẻ sau này.
Acid folic: Đây là vitamin đặc biệt quan trọng trong giai đoạn phân chia và phát triển nhanh chóng của tế bào. Bổ sung acid folic trong thời kỳ mang thai giúp giảm nguy cơ khuyết tật ống thần kinh.
Sắt: Không chỉ là một thành phần chính của hồng cầu, sắt còn là thành phần của các hệ enzyme và các cấu trúc trong hệ thần kinh trung ương. Cung cấp đủ sắt giúp phòng chống thiếu máu, giảm nguy cơ sinh non, hỗ trợ phát triển não bộ thai nhi.
Mang thai nên ăn gì để con thông minh?
DHA có nhiều trong các loại thực phẩm như dầu cá, các loại cá (cá hồi, cá ngừa, cá mòi, cá thu, cá kiếm), tảo biển…
Choline có nhiều trong lòng đỏ trứng, sữa mẹ, thịt bò…
Acid folic có thể tìm thấy trong trong các loại rau có lá màu xanh đậm (rau cải, súp lơ xanh…), các loại đậu, ngũ cốc và trong thực phẩm như gan, nội tạng (chỉ nên ăn 1 tuần 1 lần).
Sắt có nhiều trong các loại rau (rau ngót, rau muống, rau cải xoong, cải xanh…), thịt đỏ (thịt bò, thịt cừu), lòng đỏ trứng, cá biển, sò, trai, các loại ngũ cốc, đặc biệt là lúa mạch và yến mạch.
Các mẹ có thể căn cứ vào khuyến cáo sau đây của Bộ Y tế cũng như của các nhà nghiên cứu về nhu cầu một số dưỡng chất để áp dụng mỗi ngày trong thai kỳ:
– Năng lượng: 300 kcal
– DHA: 300mg
– Choline: 450mg
– Acid folic: 600 mcg
– Sắt: 60mg