Nguy cơ tử vong của bệnh viêm màng não mô cầu tại Việt Nam

Hiện nay số ca mắc bệnh viêm màng não mô cầu được phát hiện tại các tỉnh thành Việt Nam ngày càng gia tăng khiến cho rất nhiều gia đình lo lắng. Do bệnh diễn biến cấp tính và có thể khiến cho một người khỏe mạnh tử vong hoặc tàn tật chỉ trong vòng 24 giờ nên việc trang bị các kiến thức để nhận biết sớm các triệu chứng của bệnh có thể gia tăng tỷ lệ sống sót. Mời bạn cùng theo dõi bài viết sau đây để hiểu rõ hơn về bệnh viêm màng não mô cầu và cách phòng tránh nhé!

1. Bệnh viêm màng não mô cầu là gì và những biến chứng liên quan

Bệnh viêm màng não mô cầu là bệnh nhiễm vi trùng của lớp màng bao quanh não và tủy sống gây ra bởi vi khuẩn Neisseria meningitidis. Biến chứng thường gặp của viêm màng não mô cầu đó là liệt thần kinh sọ, viêm tắc tĩnh mạch vỏ não, phù não. Đối với trẻ em, có thể chậm phát triển trí tuệ và liệt ½ người. Khả năng tử vong nếu không điều trị là khá cao, chiếm khỏang 50%, và ngay cả khi điều trị thì tỷ lệ tử vong là khoảng 15%. Vì vậy, chẩn đoán sớm và điều trị kháng sinh thích hợp có thể làm giảm tỷ lệ tử vong và các biến chứng của bệnh.

bệnh viêm màng não mô cầu
Neisseria meningitidis là cầu khuẩn Gram âm có hình hạt đậu

2. Cơ chế lây lan của vi khuẩn

Vi khuẩn mô cầu gồm 4 nhóm chính A,B,C và D, thường gặp nhất là nhóm A, B. Vi khuẩn não mô cầu thường cư trú ở vùng họng, mũi của người bệnh. Vì thế, bệnh rất dễ lây lan qua đường hô hấp thông qua các tiếp xúc dịch tiết với người bệnh, dùng chung ly tách, dụng cụ cá nhân cũng như tiếp xúc với nhiều người nơi công cộng như khu tập thể, cắm trại, nhà trường, nhà trẻ, sinh hoạt cộng đồng,…

3. Các triệu chứng của bệnh viêm màng não mô cầu

Bệnh có diễn tiến nhanh và các triệu chứng rất khó phát hiện nhưng nguy cơ tử vong khá cao  chỉ sau 24h vì vậy yêu cầu thời gian chẩn đoán và điều trị càng sớm càng tốt

Triệu chứng sớm ở trẻ dưới 1 tuổi và trẻ nhỏ

Đối với các trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, khi bị khuẩn mô cầu xâm nhập sẽ có các triệu chứng như sốt, bỏ bú, quấy khóc, luôn mệt mỏi, buồn nôn hoặc nôn, sợ ánh sáng, bị tiêu chảy, co giật, lơ mơ, xuất hiện các chấm đỏ, tím hoặc các đám bầm tím lớn.

Triệu chứng nhận biết bệnh ở trẻ lớn và người lớn

Thời gian ủ bệnh viêm màng não mô cầu là trong khoảng thời gian từ 1-10 ngày kể từ khi khuẩn não mô cầu xâm nhiễm vào cơ thể. Các triệu chứng của bệnh viêm màng não mô cầu rất đa dạng, phụ thuộc vào các thể bệnh khác nhau như thể viêm mũi họng, nhiễm khuẩn khuyết, viêm màng não, tổn thương tại nhiều cơ quan khác nhau. Phổ biến nhất là thể nhiễm trùng huyết và viêm màng não mũ.

Thể viêm mũi họng

Bệnh nhân sẽ có dấu hiệu sốt từ 38-39 độ C, kèm theo triệu chứng đau đầu, rát họng, chảy nước mũi trong khoảng thời gian 1-7 ngày. Khi thăm khám, sẽ thấy xuất hiện xung huyết niêm mạc vùng mũi, họng, trong một số trường hợp một lớp mủ phũ lên.

Thể nhiễm khuẩn khuyết

Nhiễm trùng huyết do não mô cầu sẽ có 3 thể là nhiễm trùng huyết cấp, tối cấp và mãn tính, phổ biến nhất là nhiễm trùng huyết cấp và thể tối cấp.

Bệnh nhân nhiễm trùng huyết thể cấp thường có triệu chứng sốt cao đột ngột trong khoảng 39-40 độ C, kèm theo triệu chứng rét run, ớn lạnh, nhức đầu, nôn ói, thở nhanh, huyết áp giảm.

Ngoài ra, cần lưu ý, triệu chứng để phân biệt giữa viêm màng não mô cầu và các bệnh khác là những mảng xuất huyết có hoại tử ở trung tâm hay còn gọi là tử ban. Khi tử ban lan nhanh thì tình trạng người bệnh có thể chuyển sang nhiễm trùng huyết tối cấp, thể này gây ra tình trạng sốc phổi, suy hô hấp và khiến người bệnh tử vong trong vòng vài giờ.

Nhiễm trùng huyết tối cấp có các triệu chứng ban đầu gần giống với thể nhiễm trùng huyết cấp. Tuy nhiên, các vết tử ban lan nhanh hơn cả về số lượng và kích thước, và có khả năng gây tử vong cao chỉ trong thời gian ngắn khoảng vài giờ.

 Thể viêm màng não

Thể này thường xảy ra sau viêm họng hoặc thể nhiễm khuẩn huyết với triệu chứng sốt cao đột ngột từ 39-40 độ C, đau đầu, mệt mỏi, nôn ói. Người bệnh mắc phải thể này thường bị co giật, hôn mê, hoảng loạn, cứng gáy, đau cổ. Đây là thể bệnh với nhiều biến chứng nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao.

Khi nhận thấy cơ thể có một hoặc vài các dấu hiệu trên thì cần đến các bệnh viên gần nhất, không được trì hoãn vì bệnh có khả năng cứu khỏi bằng thuốc kháng sinh. Phát hiện càng sớm bệnh sẽ gia tăng tỷ lệ sống sót.

bệnh viêm não mô cầu
Khi phát hiện các triệu chứng cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ

4. Tiêm phòng vắc xin phòng ngừa viêm màng não mô cầu cho trẻ

Hiện nay có 2 loại vắc xin phòng viêm màng não mô cầu và mỗi loại chỉ có thể phòng ngừa một vài chủng nhất định. Vì vậy, mẹ có thể cho bé tiêm cả 2 loại để phòng bệnh.

Vắc-xin viêm màng não mô cầu A+C có tên thương mại là Vacina Meningococcus nhóm A và C.

  • Đối tượng tiêm chủng: loại vắc xin này được sử dụng cho trẻ từ 2 tuổi trở lên. Trong trường hợp trẻ 6 tháng tuổi có tiếp xúc với người bệnh nhiễm virus Meningococcus A+C thì có thể tiêm loại vắc xin này.
  • Từ 3-5 năm sau muỗi tiêm đầu tiên, sẽ tiêm nhắc lại 1 lần. Trong 24h sau tiêm, trẻ có thể bị  sốt nhẹ, chỗ tiêm bị đau và đỏ. Thông thường, sau 1-2 ngày, các biểu hiện này sẽ mất đi.

Vắc xin viêm màng não mô cầu B+C có tên thương mại VC-Mengoc-BC. Loại vắc xin này được chỉ định nhằm tạo miễn dịch phòng bệnh viêm màng não mô cầu nhóm huyết thanh B-C.

  •  Đối tượng tiêm chủng: trẻ từ 3 tháng tuổi và những đối tượng trong vùng dịch hoặc phải di chuyển tới vùng dịch.
  • Muỗi tiêm nhắc lại sau ít nhất 2 tháng kể từ muỗi tiêm đầu tiên. Vắc xin này cũng được chống chỉ định cho các trường hợp sốt, nhiễm khuẩn cấp tính, các bệnh mãn tính không tự điều chỉnh, cũng như những đối tượng quá mẫn cảm với thành phần trong vắc xin.
  • Không có phản ứng phụ nghiêm trọng nào được ghi nhận, một số rất ít có biểu hiện sốt nhẹ hoặc đau nhức chỗ tiêm.

 5. Các phương pháp phòng bệnh

  • Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng để sát khuẩn, súc miệng họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng.
  • Giữ vệ sinh nơi ở, nơi làm việc và sinh hoạt
  • Tránh các triệu chứng tiếp xúc, gần gũi như hôn ( nếu có thể)
  • Tiêm vắc xin phòng viêm não mô cầu là biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh. Vắc xin phòng não mô cầu là biện pháp tốt nhất. Những người đã tiếp xúc với người bệnh như sống cùng nhà, chăm sóc hoặc đã tiếp xúc với các dịch tiết của người bệnh phải được điều trị ngay bằng thuốc kháng sinh phòng ngừa càng sớm càng tốt.
  • Khi xuất hiện các triệu chứng như đau đầu, buồn nôn, ói, cứng cổ sốt cao cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.
  • Khi nghi ngờ có người nhiễm bệnh viêm màng não mô cầu thì cần báo cáo lên các cơ sở y tế ở đại phương.

Do những diễn tiến nhanh nhưng lại khó phát hiện, các bạn không nên lơ là các dấu hiệu dù là nhỏ nhất cũng như những cách phòng ngừa bệnh. Khi phát hiện có những triệu chứng mà chúng tôi đã đề cập thì không được tự ý dùng thuốc điều trị mà phải đến ngay bệnh viện gần nhất, chỉ vài phút chậm trễ có thể làm giảm đáng kể khả năng sống sót. Hãy trang bị đầy đủ kiến thức về bệnh viêm màng não mô cầu và cách phòng chống để bảo vệ sức khỏe của các thành viên trong nhà bạn nhé!

HPCM
Ý kiến bạn đọc